MINARI – một câu chuyện nhạt

Năm nay, Minari, một tác phẩm điện ảnh khác của Hàn Quốc lại tiếp tục gây tiếng vang trên phim trường quốc tế. Bộ phim được đề cử tới 6 giải Oscar và giành được giải cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. 

Trước đó, “Minari” cũng đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ để nhận giải “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất” tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng năm nay.

Với tôi, một người nhập cư, Minari chỉ là một câu chuyện nhạt. 

Minari kể về một cặp vợ chồng người Hàn Quốc sang Mỹ lập nghiệp. Họ có hai con, một trai, một gái và bé trai bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Không biết đây có phải lý do mà họ quyết định rời bỏ Hàn Quốc để sang Mỹ hay không. Sau một thời gian vật vã mưu sinh ở Mỹ, người chồng quyết định “khởi nghiệp”, xây dựng nông trại tại một vùng quê hẻo lánh của Mỹ, một nơi có thể gọi là khỉ ho cò gáy.

Khi chuyển đến đây, người vợ đón thêm mẹ đẻ của mình sang để bà giúp trông cháu. Tuy nhiên, chưa sang được ít lâu thì bà bị đột quỵ, trở thành một gánh nặng nữa cho hai vợ chồng. 

Trải qua những khó khăn cùng cực trong cuộc sống nơi đất khách quê người, hai vợ chồng không ngừng cãi vã, thậm chí nghĩ đến chuyện chia tay. Thế nhưng, vào giây phút tưởng như bi kịch nhất thì chính tình yêu đã nâng đỡ họ, giúp họ tiếp tục vươn lên. 

Bộ phim có lẽ là ca ngợi các giá trị tình yêu, gia đình, tính kiên cường (resilience) của người châu Á. Miễn là còn có hy vọng thì ta sẽ không ngừng cố gắng, sẽ vươn lên mạnh mẽ như cây mùi (minari) vậy. 

Câu chuyện khó khăn lập nghiệp như của vợ chồng trong phim Mirani thì nói thật là ở đâu cũng có. Dù là ở Hàn Quốc hay ở Mỹ thì khi bắt đầu cũng khó khăn vậy thôi. Chỉ riêng một người muốn chuyển từ thành phố này sang thành phố khác để bắt đầu kinh doanh còn gặp khó khăn, nói chi là đi từ châu này sang châu khác. 

Câu chuyện không nêu bật được những vấn đề của người nhập cư như là phân biệt chủng tộc, giấy tờ hợp pháp, các thủ tục hành chính nhiêu khê mà đôi khi người nhập cư không thể hiểu nổi luật hoặc không biết rõ luật để tránh. Đơn giản như cái chuyện mua nhà thôi mà ở Việt Nam và ở Pháp đã khác nhau một trời một vực rồi, nói gì đến chuyện mua một miếng đất, mở một công ty để kinh doanh. Đấy là những chuyện hết sức bình thường mà ai cũng phải lường trước.

Khó khăn thì phải kể như này này. Bạn muốn nộp hồ sơ xin vào 1 công ty, công ty đó sẽ phải chứng minh được rằng vị trí đó họ đã thông báo rộng rãi mà ko có người bản địa nào phù hợp hơn bạn. Rồi nếu như bạn chưa có giấy phép lao động (trước đây bạn làm nghiên cứu chẳng hạn), công ty sẽ phải thay mặt bạn trình đủ giấy tờ ra để xin, thời gian kéo dài tới 1-2 tháng. Và đấy là lý do cản trở bạn có thể xin được việc, vì bản thân công ty thấy rách việc quá bèn đi tìm người khác 😀

Còn cãi vã trong gia đình ư? Cũng hoàn toàn bình thường nốt. Kể cả khi ở quê nhà, bị cơm áo gạo tiền đè lên thì làm sao tránh được chuyện cơm không lành, canh chẳng ngọt cơ chứ? 

Chúng ta không biết được câu chuyện của vợ chồng Minari trước khi họ sang Mỹ để so sánh, nên cái khó, cái khổ của họ cũng không vì thế mà trở nên bi kịch hơn. Dù sao thì, đó cũng là lựa chọn của họ; và họ luôn có một chốn để quay về nếu thất bại. Những người Mỹ khốn khó thực sự kia kìa, họ sẽ đi đâu, về đâu? 

Sống tha hương là cuộc sống xa gia đình, cực kỳ thiếu thốn về mặt tình cảm. Mỗi khi có chuyện bạn sẽ phải tự mạnh mẽ mà vươn lên, chẳng có lấy chỗ dựa nào. Tệ hơn là khi người vợ không rành rọt tiếng bản địa, không việc làm, sống hoàn toàn dựa vào chồng; nhỡ chẳng may chồng đá ra đường thì bơ vơ vô cùng. Chính vì thế nên có tình trạng bị cả chồng bạo hành (tinh thần) nhưng cũng chẳng dám dứt áo ra đi. Chứ còn như cô vợ trong phim Minari thì mình thấy vẫn chưa khổ lắm đâu ạ :”> soi *ít gà thì ít ra là vẫn còn có 1 công việc mà làm, đúng không? Ở đâu mà chả phải lao động?

Tôi cũng e ngại rằng người xem phim sẽ mang một hiểu lầm trầm trọng về lực lượng nhập cư từ châu Á sang các nước phát triển. Hiện nay, không ít người ra đi dưới hình thức du học, đầu tư hay lao động bậc cao. Họ cũng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, nhưng hoàn toàn không hề bi đát, vì họ mang theo mình thứ tài sản phi vật chất để giúp họ tồn tại và vươn lên ở nơi đất khách quê người. 

Mặc dù câu chuyện nhạt, nhưng tôi vẫn dành 1 kudo cho diễn viên Youn Yuh Jung, người đã đoạt giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Vai bà ngoại của cô quá hay, luôn gợi nhớ cho tôi đến những bà mẹ Việt Nam, mỗi lần sang Pháp thăm con đều lích kích lỉnh kỉnh bao thứ đồ ăn ngon từ quê nhà.

Nếu muốn xem về cuộc chiến của người nhập cư và những nỗi đau của họ, bạn hãy tìm lại Người Bắc Kinh ở New York. Đó mới thực sự là một câu chuyện đáng xem. 


4 thoughts on “MINARI – một câu chuyện nhạt

    1. Dạ là The Beijinger in New York ạ. Phim lâu rồi không biết có trên mạng ko. Có khi phải thuê đĩa cô ạ. Nếu ko cô đọc sách cũng được.

Please share your thoughts : )